Tiếng rao khuya giữa phố

Phố đã thực sự chạm ngõ đông. Gió những ngày này thổi rít, mang theo cái lạnh ngấm dần vào không khí, dày đặc bao trùm mọi ngõ ngách. Trong đêm phố vắng, chỉ có mình tôi với nỗi trống trải, lòng bỗng xao xuyến, chùng chình với những cảm xúc khó gọi tên khi bất chợt nghe thấy tiếng rao khuya vọng lại…

tiếng giao khuya giữa phố

Đã tròn mười năm tôi gắn bó với phố và làm bạn cùng tiếng rao khuya. Nhớ lại những ngày đầu mới đến, tôi không khỏi tò mò khi giữa đêm khuya tĩnh lặng, tiếng rao lại vang vọng lên. Tôi mở cửa, nhìn xuống phố, ánh đèn vàng hiu hắt trải qua tán cây, những tiếng rao đứt quãng nối tiếp nhau ngân vang. Đó thường là khoảnh khắc rất khuya, khi thời gian đã chuyển sang ngày mới. Cứ đều đặn như vậy, lúc phố xá chìm trong yên lặng, khi tiếng dế đã rúc vào lòng đất nỉ non khúc nhạc quen thuộc, và dòng người trở nên thưa thớt, tiếng rao lại cất lên: “Ai ngô không?”, “Ai xôi khúc, xôi sắn, xôi đỗ đen không?”, “Bánh mì không?”, “Bánh bao nào”… Những âm thanh ấy vang lên, mang theo cả nỗi niềm của người bán hàng, như những tâm sự gửi gắm vào đêm khuya sau một ngày dài mệt mỏi.

Như một dòng ký ức kỳ diệu, tôi luôn dõi theo và ghi nhớ từng tiếng rao khuya qua phố. Những âm thanh ấy không chỉ là tiếng rao đơn thuần mà còn chứa đựng phận đời của những người mưu sinh nơi đất khách quê người. Có tiếng rao nặng nề, khàn đục của một người đàn ông đã qua độ tuổi ngũ tuần; có giọng rao vội vã, gấp gáp của người phụ nữ tất bật; và có cả giọng rao nghèn nghẹn của cô bé nhỏ tuổi. Dù là tiếng rao của ai, người nghe cũng có thể hình dung những phận đời xa quê, những người phải chọn công việc này và thức khuya cùng phố.

Khi tiếng rao dần khuất, chỉ còn lại âm thanh của những vòng xe chầm chậm và lạo xạo của sên xích. Mùa nóng bức, tiếng rao bị cuốn vào gió hè bỏng rát; mùa đông, nó lạnh buốt và run rẩy. Tôi tự hỏi khi nào những người mưu sinh này mới được về nhà? Khi nào thúng xôi, bánh mì, bánh bao mới vơi đi để vòng xe bớt cực nhọc? Trong những tiếng rao khuya là bao hoàn cảnh và phận đời khác nhau, chứa đựng niềm mong ước và hy vọng của những ông bố, bà mẹ muốn con cái mình bằng bạn bằng bè, thành đạt.

Những ngày mới đến phố, tôi cảm thấy lẻ loi, cô độc, nỗi buồn và nhớ quê hương tràn ngập lòng tôi, nhất là về đêm. Thật kỳ lạ, khi tiếng rao khuya vang lên, lòng tôi lại cảm thấy an yên, như thể có điều gì đó từ phố đã bao dung và ủ ấm tôi.

Tiếng rao khuya đã tạo nên một nét riêng biệt của phố, và khi không còn nghe được nữa, lòng tôi lại nhớ rất nhiều. Hôm nay, ngồi đây, tôi lại bật radio nghe bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao. Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao. Có phải chị tôi ra đi từ chốn quê nghèo. Có phải mẹ anh bôn ba từ miền Trung xa xôi…” và cảm thấy lòng mình nao nao khó tả. Tôi biết mình đã gắn bó với phố và những tiếng rao khuya thân thương như thế nào.

— Đào Thanh Tùng

 

 

Trả lời

zalo-icon
phone-icon